Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới với giá trị lên tới tỷ USD. Trong đó, ngành điều Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí số 1 thế giới hàng chục năm qua.
DOANH NGHIỆP THỦY SẢN "VƯỢT BÃO"
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại (VASEP.PRO) thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong cơn bão lạm phát giá đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản vẫn mạnh mẽ vươn lên.
Minh chứng cho nhận định này là nhiều doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm nay. Nhóm doanh nghiệp tăng trưởng mạnh tập trung nhiều hơn vào ngành hàng cá tra. Trong đó Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đứng đầu trong số gần 900 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản với doanh số trên 226 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Biến động thị trường năm 2022 như lạm phát và chiến sự Nga – Ukraine lại là cơ hội cho ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam. Cá tra sẽ được lựa chọn thay thế cho cá minh thái và cá tuyết tại một số thị trường lớn”, bà Hằng thông tin.
"Nửa cuối năm 2022 nguyên liệu tôm, hải sản sẽ khó hơn đầu năm, nhu cầu các thị trường lớn cũng sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, với sự linh hoạt và nỗ lực của doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam, kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD cho năm nay chắc chắn ở trong tầm tay".
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc VASEP.PRO) thuộc VASEP.
Ngoài Vĩnh Hoàn, các công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao như Công ty Thuỷ sản Biển Đông tăng 41%, công ty IDI tăng 86%, NAVICO tăng 41%, công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%, cty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%, công ty CPTS NTFS tăng 87%...
Đối với ngành hàng tôm, dẫn đầu trong các doanh nghiệp tôm và đứng thứ 2 trong các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản là Công ty CP Thuỷ sản Sóc Trăng (STAPIMEX) với kim ngạch 188 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn Minh Phú đứng thứ 3, doanh số tăng nhẹ 6%, tuy nhiên xuất khẩu của công ty Minh Phú – Hậu Giang lại tăng 30%.
Nhiều doanh nghiệp tôm khác vẫn giữ được tăng trưởng cao như: Công ty CP dịch vụ và Thuỷ sản Cà Mau (CASES) tăng 47%, công ty Thuỷ sản Sao Ta tăng 18%, Thuận Phước tăng 13%, công ty Tài Kinh Anh tăng 73%. Đáng lưu ý, công ty TNHH MTV SX TM Anh Nhân bứt phá ngoạn mục với doanh số gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó khăn hơn tôm và cá tra, các doanh nghiệp hải sản càng nỗ lực vượt trội và đã đạt được kết quả cao hơn năm trước. Trong đó, những Công ty cá ngừ như Hải Long Nha Trang tăng doanh số XK 58%, Công ty CP thuỷ sản Bình Định tăng 33%, công ty Hải Vương (HAVUCO) tăng 144%, Công ty Tín Thịnh tăng gấp đôi doanh số so với cùng kỳ... Nhiều công ty hải sản khác cũng ghi nhận xuất khẩu tăng mạnh như Nha Trang Seafood F17 tăng 34%, Công ty TNHH Hải Nam tăng 67%...
“Doanh nghiệp thuỷ sản đi qua cơn bão, nhưng đã chớp lấy cơ hội từ những thị trường đang có nhu cầu lớn, như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và những thị trường luôn ưa chuộng sản phẩm thuỷ sản chế biến tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, cùng nhiều thị trường tiềm năng khác”, bà Hằng nhấn mạnh.
TĂNG TRƯỞNG Ở HẦU HẾT CÁC THỊ TRƯỜNG LỚN
Trong 6 tháng năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đi thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã “làm khó” cho hàng thủy sản trong suốt 4 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên mới đây, Trung Quốc đã quyết định xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. Dự báo điều này sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những quý cuối năm.
Tính tới hết tháng 6/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 356,4 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã bắt đầu chậm lại.
Theo nhận định của các nhà nhập khẩu, tình hình tiêu thụ thủy sản nói chung, trong đó có cá tra tại Hoa Kỳ có dấu hiệu chững. Lạm phát của Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ. Tháng 6/2022, giá thực phẩm tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng trung bình năm lớn nhất kể từ năm 1981.
Theo dữ liệu mới từ IRI và 210 Analytics, giá cá tra tại Hoa Kỳ cũng tăng khoảng 22%. Tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích, doanh số bán thủy sản đông lạnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát gia tăng, nhưng không nghiêm trọng bằng doanh số bán hàng tươi sống. Kho hàng thủy sản nhập khẩu ở Hoa Kỳ vẫn còn đầy. Do đó, có thể trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng thấp hơn so với các quý trước.
Đứng thứ 3 trong top các thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất là khối thị trường CPTPP. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 180 triệu USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ trước.
Trong đó, đáng chú ý là thị trường Mexico - đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối với giá trị đạt 62,4 triệu USD, tăng 68,5%. Với kết quả này, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đã vượt qua Thái Lan và Brazil (vốn được đánh giá là hai thị trường tiềm năng hơn hơn).
“Biến động giá cả trên toàn cầu do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mexico. Nền kinh tế nước này vẫn trì trệ và chưa hồi phục về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho cá tra Việt Nam vì nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản với giá cả phù hợp, dinh dưỡng lành mạnh của Mexico đang ngày càng tăng”, bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP nhận định.